Ngày 31/7, thông tin từ Trung tâm Điều trị theo yêu cầu và Quốc tế, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, các bác sỹ nơi đây vừa phẫu thuật thành công hy hữu một trường hợp bị u đại tràng kèm bệnh lý tim mạch có EF=18% (EF: phân suất tống máu thất trái, nếu EF dưới 35%: cho thấy một nguy cơ rối loạn chức năng tim đe dọa tính mạng, thậm chí gây ngừng tim đột ngột).
Đó là bệnh nhân Hồ Văn T., 72 tuổi ở Phường Đúc, TP. Huế, vào viện ngày 16/7/2017. Sau khi hội chẩn bệnh nhân (BN) được chẩn đoán u đại tràng/bệnh cơ tim giảm/suy tim độ III/tai biến mạch máu não. Xét nghiệm trước mổ: siêu âm tim cho thấy buồng tim giãn lớn, chức năng tim giảm nặng, EF = 18%; men tim: hs Troponin-T: 0,017; Troponin-I: 0,01. Sau đó BN được điều trị nội 4 ngày và làm lại xét nghiệm, siêu âm tim. Nhưng kết quả không mấy cải thiện, các buồng tim vẫn giãn lớn và giảm vận động, chức năng tim còn giảm nặng.
Theo đánh giá của các bác sỹ, bệnh nhân có bệnh lý tim mạch nặng với FE thấp, mặc dù vậy nếu không mổ BN có nguy cơ tử vong vì bệnh nhân đã lớn tuổi, suy kiệt, u xâm lấn, giai đoạn cuối. Cho nên các bác sỹ quyết định phải mổ cấp cứu.
Ca mổ được thực hiện bởi ê-kíp phẫu thuật, gồm PGS.TS Phạm Anh Vũ, ThS.BS Nguyễn Tuấn Anh; gây mê gồm PGS.TS Nguyễn Viết Quang, ThS. BS Nguyễn Văn Trí.
Sức khỏe của bệnh nhân Hồ Văn T sau ca phẫu thuật u đại tràng kèm bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Trung ương Huế đã ổn định
Vấn đề rất nguy hiểm cho ca mổ này là gây mê, vì tất cả các loại thuốc: mê hơi, mê tĩnh mạch, thuốc giãn cơ, giảm đau đều có nguy cơ ức chế cơ tim và gây ngừng tim trong mổ rất cao. Do vậy, đòi hỏi bác sỹ gây mê hồi sức cần phải đưa ra một phác đồ gây mê chuẩn xác mới đảm bảo cho sự thành công của cuộc đại phẫu.
Ca mổ diễn ra trong gần 2 giờ với kết quả thành công ngoài mong đợi. Các dấu hiệu sống còn trong khi mổ hoàn toàn ổn định. Bệnh nhân được phẫu thuật trên hình cắt 1/2 đại tràng (phải) mở rộng với gây mê hồi sức kỹ thuật cao bằng phương pháp vô cảm đúng quy trình.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Quang, Trưởng khoa Gây mê hồi sức A, Bệnh viện Trung ương Huế, với những người có EF= 18% chỉ cần một cái gắng sức nhẹ cũng có thể gây ra tử vong. Trong trường hợp bệnh nhân Hồ Văn T., đây là ca phẫu thuật phức tạp với nguy cơ tử vong cao vì EF rất thấp =18%, (thấp, EF= 45%) nên bác sỹ gây mê hồi sức phải nắm rõ nguyên lý gây mê để đưa ra một phác đồ gây mê chuẩn về kỹ thuật gây mê, liều lượng các loại thuốc trong khi gây mê, phương tiện theo dõi chỉ số sống còn trong gây mê (huyết áp, SPO2, áp lực tĩnh mạch trung tâm, lượng nước tiểu, nhiết độ bệnh nhân trong mổ).
Sau mổ, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Hiện, tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định, bệnh nhân đã ăn uống được.
Duy Hải