Thế nhưng mới đây các nhà khoa học đã nhìn nhận lại đúng công và tội của đường và đi đến kết luận đường không có tội mà tội là do người dùng lạm dụng nó và khuyến cáo cho người dân hãy sử dụng đường một cách khôn ngoan nhất.
Nhiều người loại bỏ đường ra khỏi thực đơn cân bằng, lành mạnh gắn cho đường tất cả những gì tồi tệ nhất gây ra với sức khỏe. Sự thật đường có xấu như vậy? Chuyên gia dinh dưỡng sẽ lý giải sự thật và những ngộ nhận phổ biến về loại thực phẩm đặc biệt này.
Vai trò của đường đối với sự sống
Nguồn năng lượng cho sự sống
Nguồn năng lượng chính nuôi dưỡng cơ thể chúng ta là đường glucose, hợp chất được sử dụng để duy trì hoạt động bình thường của não (các quá trình suy nghĩ của não tiêu thụ mỗi ngày khoảng 550 calo, tức 1/3 nhu cầu năng lượng hàng ngày của toàn cơ thể). Bộ phận thứ 2 của cơ thể sử dụng nhiều đường làm năng lượng chính là cơ bắp. Vào mọi thời điểm cơ bắp đòi hỏi cung cấp số lượng glucose thích hợp để chúng ta có thể đi lại, thực hiện công việc thường nhật, tham gia các hoạt động thể thao, cả dạng nghiệp dư - thư giãn, cũng như thể thao chuyên nghiệp. Vậy nên trong mỗi giây cuộc sống, chúng ta cần liều thích hợp “glucose nguồn sống”. Như vậy đường là nguồn năng lượng chính, cần thiết với tất cả quá trình sống.
Cần bổ sung hàng ngày
Để có dáng thon thả và khỏe mạnh, cần áp dụng thực đơn cân bằng, lành mạnh. Đa số chúng ta hàng ngày có nhu cầu 45-55% năng lượng có nguồn gốc từ thành phần carbohydrate (bột đường). Trước hết là năng lượng từ đường phức hợp, song cũng cần đường đơn, đường tự nhiên sẵn có trong các thực phẩm, đồng thời cũng có thể là đường đơn từ bánh ngọt. Thực tế tại nhiều quốc gia, vấn đề thời sự nóng bỏng là sử dụng quá nhiều chất béo, chứ không phải đường. Thay vì duy trì hạn mức 20% nguồn năng lượng có nguồn gốc từ chất béo trong thực đơn, tỷ lệ phổ biến thành phần này là trên dưới 40%!
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), liều lượng đường tối đa/ngày con người tiêu thụ (cả đường đơn bổ sung và đường tự nhiên sẵn có trong thức ăn) cần chiếm 10% nhu cầu năng lượng cần thiết trong ngày. Như vậy, với trẻ em liều đường đó tương đương 150 calo, phụ nữ - 180 calo, đàn ông - 230 calo.
Đường - nguồn năng lượng chính, cần thiết với tất cả quá trình sống.
Sự thật và ngộ nhận về đường
Đường là thủ phạm gây sâu răng
Không chính xác. Đường không phải nhân tố duy nhất gây sâu răng. Dĩ nhiên, nếu suốt ngày uống nước ngọt, chắc chắn bạn sẽ tự hủy hoại hàm răng. Tuy nhiên, như khẳng định của bác sĩ nha khoa - những nhân tố khác ít khi nói đến cũng tác động đến sự xuất hiện sâu răng như vệ sinh răng miệng kém kết hợp với dinh dưỡng không thích hợp (ăn nhiều bim bim, lạm dụng cà phê...) cũng có thể tiếp tay cho sâu răng.
Ăn đường dẫn đến bệnh đái tháo đường
Sai. Bệnh đái tháo đường là hệ quả của sự kết hợp các yếu tố di truyền và lối sống. Tình trạng cơ thể thừa cân là nguyên nhân gia tăng nguy cơ xuất hiện bệnh đái tháo đường týp 2. Nếu gia đình đã có người mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng thực đơn lành mạnh và thường xuyên luyện tập thể chất, để duy trì cân nặng hợp lý. Người mắc bệnh đái tháo đường vẫn có thể ăn bánh ngọt và món tráng miệng, nếu chúng là bộ phận cấu thành thực đơn lành mạnh hoặc kết hợp với chế độ tập luyện cụ thể.
Đường có thể gây nghiện nguy hiểm cho sức khỏe
Không chính xác. Thực tế có khá nhiều sản phẩm có thể gây nghiện (rượu, thuốc lá, thực phẩm fast food...). Nhìn chung, tất cả những gì mang lại cho chúng ta cảm giác thú vị đều có thể gây nghiện. Nó có thể là đường kính pha nước ngọt hoặc thỏi chocolate. Tuy nhiên, nếu tìm được chỗ đứng của chúng trong thực đơn cân bằng, lành mạnh, chúng ta vẫn sẽ có cơ hội thụ hưởng cảm giác ngọt ngào thú vị của đường, đồng thời vẫn có thể kiểm soát lượng đường thích hợp trong thực đơn hàng ngày.
Đường là kẻ sát nhân giấu mặt
Không hoàn toàn đúng như vậy, nếu chúng ta ăn uống có mức độ. Vả lại tất cả những gì ăn quá nhiều đều hại sức khỏe. Trong trường hợp với đường, cần nhớ rằng, không nên sử dụng quá mức. Tuy nhiên sự thật không phải, khi ăn miếng bánh ngọt, lập tức chúng ta tự đóng cái đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của chính mình. Tương tự như với điện thoại di động, nếu sử dụng liên tục, suốt thời gian dài, thính giác của chúng ta sẽ dần bị suy giảm. Song điều đó sẽ không xảy ra, nếu sử dụng vừa phải. Vậy nên hãy ăn, uống đường một cách có mức độ.
Đường gây béo phì, thừa cân
Không chính xác. Đường là thực phẩm giàu năng lượng. Tuy nhiên vì trong cơ thể đường được tiêu hóa nhanh, vậy nên, nếu ăn uống với số lượng vừa phải, sẽ vô hại. Tất cả phụ thuộc vào bạn, chỉ ăn 1-2 chiếc bánh chocopie hay ăn cả hộp. Như đã nói ở trên, cần ăn, uống đường với mức độ vừa phải! Quá nhiều sẽ hại sức khỏe.
Ngọc Báu
((Theo Fakty i mity na temat cukru))